Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Đầu tư dự án xi măng, “cuộc chơi” của các DN lớn

23/03/2016 - 04:57 CH

Có thể nhận thấy, đầu tư xi măng hiện nay được tính toán kỹ lưỡng và khá bài bản. Kế hoạch đầu tư mới luôn thuộc về các DN vững về tài chính, quản trị tốt và có thị trường ổn định. Cho nên dù toàn ngành có dư thừa thì cũng không thể xảy ra tình trạng “nước lụt chết cả làng”.
>> Xuất khẩu xi măng Việt Nam trước sức ép cạnh tranh của hàng ngoại
>> Tổng quan thị trường xi măng trong nước năm 2015 và dự báo cho năm 2016

Thị trường xi măng được dự báo vẫn dư cung trong thời gian tới với tổng công suất thiết kế đạt trên 81 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu năm 2016 khoảng 75 - 77 triệu tấn, tăng từ 4 - 7% so với năm 2015. Như vậy, cung lớn hơn cầu khoảng 4 - 6 triệu tấn.

Đánh giá về mức tiêu thụ so với công suất thiết kế, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: “Xi măng vẫn là mảng tiêu thụ khả quan trong nhóm ngành vật liệu xây dựng. Mức dư giữa tiêu thụ và công suất thiết kế ở mức độ cho phép. Tiêu thụ chưa thể có đột biến lớn nhưng các doanh nghiệp xi măng đã cân đối được nhu cầu thị trường và không để dư thừa khi sản xuất”. Bộ Xây dựng cũng dự báo tiêu thụ nội địa năm 2016 ở mức 59 - 60 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2015.

Những con số trên cho thấy trở ngại lớn của ngành xi măng vẫn là thị trường xuất khẩu khi thị trường này bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2015, đạt 16,25 triệu tấn, giảm 17,3% so với năm 2014. Được biết, xi măng Việt Nam phải đối mặt với chính sách giá rẻ từ Trung Quốc, theo đó giá clinker của Trung Quốc bán ở thị trường xuất khẩu khoảng 31 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá 34 - 35,5 USD/tấn của các DN Việt Nam. Nhiều nhà xuất khẩu clinker Việt Nam cho biết, mức giá 34 - 35,5 USD/tấn clinker thì vẫn có lãi, còn hạ xuống nữa thì xem như hòa hoặc chấp nhận lỗ.


Cung xi măng đang lớn hơn cầu khoảng 4 - 6 triệu tấn.

Tuy nhiên, cũng có những đơn vị như The Vissai cho biết ở mức 32 USD/tấn clinker thì DN này vẫn có lãi. Có thể đó cũng là lý do mà The Vissai đang gấp rút đầu tư tăng công suất. Dự kiến, dây chuyền 1 xi măng Sông Lam của The Vissai với công suất 4 triệu tấn/năm sẽ cho ra sản phẩm vào cuối năm 2016.

10 năm về trước, các dự án xi măng chủ yếu dùng vốn vay là chính, mà chủ yếu là vay ngoại tệ. Thời gian thực hiện dự án kéo dài khiến nhiều dự án đội vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng, trong đó phải kể đến Xi măng Hạ Long, Cẩm Phả, Thăng Long, dẫn đến suất đầu tư cao, chẳng hạn như Hạ Long và Cẩm Phả có suất đầu tư từ 2,4 - 2,6 triệu đồng/tấn sản phẩm. Các nhà máy này đều thuộc nhóm “đầu tư ngoài ngành” nên việc quản lý đầu tư, quản trị DN khá khó khăn. Hậu quả của việc đầu tư đã được giải quyết bằng việc sáp nhập với đơn vị khác.

Đến thời điểm này, các nhà đầu tư xi măng đang đứng trên một “vị thế” khác. Tại phía Nam, Xi măng FICO đã hoàn tất các thủ tục đầu tư dây chuyền 2 có sông suất 1,4 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2016, tổng mức đầu tư vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư của dây chuyền này vào khoảng 1,78 triệu đồng/tấn. Hiện Xi măng FICO được đánh giá là một trong số ít các nhà máy xi măng đầu tư hiệu quả tại Việt Nam khi mức tiêu thụ tăng bình quân 10% mỗi năm (gấp đôi mức tăng trưởng của toàn ngành chỉ từ 4 - 5%). Đơn cử, năm 2015, Xi măng FICO đã tiêu thụ 1,8 triệu tấn sản phẩm so với kế hoạch 1,65 triệu tấn, mức tiêu thụ trên đã vượt xa so với công suất thiết kế của đơn vị. Không dừng lại ở đó, năm 2016, FICO dự kiến mức tiêu thụ đạt 1,9 triệu tấn.

Để đầu tư dây chuyền 2, Xi măng FICO đã có được dòng tiền ổn định và không phải lo lắng về vấn đề tài chính. Năm 2015, các cổ đông được chia khoảng 13% cổ tức. Mức chia này cao hơn nhiều so với các DN xi măng hoặc không có cổ tức, hoặc chỉ đạt ở mức từ 3 - 5%.

Ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết: “Thủ tục đầu tư dây chuyền 2 gần như đã hoàn tất, chỉ đợi ĐHCĐ để thông qua phương án góp vốn. Các ngân hàng trong nước cũng sẵn sàng cho Xi măng FICO vay vốn”.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: “Xi măng vẫn luôn trong tình trạng thừa ngoài Bắc nhưng lại thiếu trong Nam. Có thêm dây chuyền tại phía Nam không có gì đáng ngại nhưng ngoài Bắc hoặc miền Trung tăng công suất sẽ dội áp lực lên toàn ngành. Trong khi đó, chi phí vận chuyển luôn là yếu tố quan trọng trong giá thành”. Đơn cử như VICEM có lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 20 triệu tấn/năm, nếu chi phí vận chuyển chỉ cần giảm được 20.000 đồng/tấn thì mỗi năm DN này đã có thêm 400 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, đầu tư xi măng hiện nay được tính toán kỹ lưỡng và khá bài bản. Kế hoạch đầu tư mới luôn thuộc về các DN vững về tài chính, quản trị tốt và có thị trường ổn định. Cho nên dù toàn ngành có dư thừa thì cũng không thể xảy ra tình trạng “nước lụt chết cả làng”.

VICEM hiện đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trong việc sáp nhập Xi măng Hạ Long và Sông Thao. DN này vẫn có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền 2 tại Xi măng Hoàng Mai. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện VICEM cho biết: “Đầu tư phải tính toán trên hiệu quả và không ngoại trừ khả năng tìm các DN yếu kém rồi mua lại sẽ kinh tế hơn”.  

Theo ĐTCK
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng