>> Phát triển gạch không nung gặp nhiều hạn chế do thói quen người tiêu dùng
>> Phát triển vật liệu xây không nung: Cần quyết liệt, đồng bộ hơn
Sản xuất cầm chừng Theo Quyết định 567/QĐ-TTg, năm 2015 VLXD không nung (gồm 3 loại cơ bản:
Gạch block, gạch bê tông khí chưng áp và bê tông bọt) chiếm tỷ lệ 20 -
25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020. |
Nhằm thay thế
gạch đất sét nung bằng than củi, tiết kiệm tài nguyên đất, giảm chi phí xử lý
chất thải công nghiệp, , từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung.
Cùng với việc ban hành Quyết định 567, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các DN chủ động, tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Mặc dù vậy, thực tế 5 năm qua cho thấy, chủ trương phát triển
vật liệu xây dựng (VLXD) không nung (còn gọi là gạch không nung) vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng VLXD cả nước hiện vào khoảng 24 tỷ viên gạch/năm, đến 2020 khoảng 33 tỷ viên. Sau 5 năm thực hiện, đến nay toàn quốc đã có trên 1.600 dây chuyền sản xuất
gạch không nung các loại với tổng công suất sản xuất khoảng 2 tỷ m3, tương đương 6 tỷ viên/năm. Như vậy, công suất của gạch không nung đã đạt mục tiêu tỷ lệ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù giá rẻ hơn gạch nung truyền thống và có nhiều tính năng ưu việt cho công trình song thời gian qua việc tiêu thụ gạch không nung rất chậm, chỉ đạt khoảng 20-30% công suất. Một số DN đã tính đường XK sang các nước khác, tiêu biểu cho khu vực phía Nam là Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên (EBLOCK) ở An Giang, Công ty CP Vương Hải (V-Block) ở Đồng Nai... (với tỷ lệ XK và nội địa là 50\50). Phía Bắc có Công ty CP UDIC Kim Bình (Ninh Bình), Nhà máy bê tông khí chưng áp VIGLACERA... Số còn lại, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất.
Nguyên nhân chính là do chương trình phát triển gạch không nung ra đời vào thời kỳ kinh tế suy thoái, thị trường đóng băng kéo theo bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân về loại
vật liệu này còn rất ít ỏi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bà Nguyễn Thị Thiêm, Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội, Công ty TNHH Lengtech cho biết, gạch không nung thời gian qua tiêu thụ chậm do đây là loại gạch mới, nhận thức của người dân về loại VLXD này còn hạn chế, nhiều người vẫn có tâm lý dùng gạch truyền thống cho an toàn.
Ngoài ra, việc một số công trình sử dụng loại gạch này bị sự cố như nứt tường, tường bở... do khi thi công đã không tuân thủ quy định cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất về tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hoặc do chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn do dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất chưa đồng bộ... cũng dẫn đến sự e ngại của chủ đầu tư và người dân.
Đến nay toàn quốc đã có trên 1.600 dây chuyền sản xuất gạch không nung.
Thực thi chưa nghiêmMột số công trình lớn (do người nước ngoài làm chủ đầu tư) tại Việt Nam
như khách sạn Horison, Opera, Grand Plaza, Hilton, Crown Plaza,
Keangnam, Lotte Centre..., một số dự án như khu đô thị Bắc An Khánh -
Splendora, Ecopark, Vincom Village, Dolphin Plaza, khu văn phòng và nhà ở
cao cấp Vinaconex1, khu đô thị Đặng Xá... đã và đang dùng sản phẩm gạch
không nung.
|
Ngoài các lý do trên, thực tế việc thực thi các quy định, chính sách, chế độ ưu đãi phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung chưa được tuân thủ triệt để là nguyên nhân góp phần làm cho việc sản xuất, tiêu thụ gạch không nung gặp nhiều khó khăn.
Theo Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng, các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% VLXD không nung kể từ đầu năm 2013; các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2012 đến 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung loại nhẹ trong tổng số VLXD cho công trình. Nhưng thực tế quy định này đã không được thực hiện nghiêm.
Theo ông Lê Anh Ba, Phó chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, dù Chính phủ đã quy định nhưng nhiều công trình của các cơ quan Nhà nước vẫn dùng vật liệu nung chứ không dùng vật liệu không nung theo quy định. Vì vậy, cho đến nay chúng tôi mới chỉ sản xuất được 20% công suất, sản xuất giảm thì thu nhập của người lao động giảm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thiêm cũng cho biết, những người làm dự án đều biết hết tính năng của gạch, nhưng vấn đề là họ có sử dụng hay không và nếu sử dụng thì các DN cung cấp phải cạnh tranh nhau ở chỗ giá cả ra sao, có được nợ tiền gạch không...
Cũng theo ông Lê Anh Ba, việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư sản xuất gạch không nung cũng có nhiều hạn chế, gây khó khăn cho DN. Theo đó, khi các DN đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, làm các thủ tục để được hỗ trợ thì DN phải mày mò, phải “chạy đi chạy lại” nhiều lần giữa các cơ quan liên quan...
Trao đổi với Báo Hải quan, TS. Trần Văn Huynh cho rằng để VLXD nung được sử dụng rộng rãi và phát triển, trước hết các DN phải đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế của vật liệu này, cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phát triển sản xuất, sử dụng VLXD không nung đến người dân, từ đó tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh mẽ cho vật liệu xây không nung.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để có đầu ra tốt cho VLXD không nung, cần có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp không tuân thủ các quy định, có sự hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và quan trọng hơn là tăng cường giám sát việc thực thi để chính sách thực sự đến được với DN và phát huy hiệu quả.
Theo Báo Hải quan