Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Khai thác khoáng sản: Báo động đỏ!

06/05/2013 - 03:22 CH

Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản ngày một gia tăng. Bên cạnh những hiệu quả đạt được về kinh tế, hoạt động này cũng gây ra không ít những hệ lụy về môi trường và lãng phí tài nguyên.


Thất thoát và kém hiệu quả


Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường năm 2012, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản. Nguyên nhân là do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường, năng lực nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế... Ngoài ra, công nghệ lạc hậu và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương hiện nay.

Đặc biệt, ở một số địa phương, do tập trung vào phát triển kinh tế, buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, bảo vệ nên để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường. Theo đó, nội dung nghị quyết đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Giải pháp nào?

Theo các chuyên gia về môi trường, để từng bước khắc phục thực trạng trên, cần bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng đầu tư công nghệ mới nhằm hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến, đặc biệt là không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng sản, tăng cường tinh chế và tuyển luyện khoáng sản để xuất khẩu.

Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.

Vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Theo baocongthuong

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng