Sản xuất công nghiệp có sức phục hồi mạnh. Ảnh minh họa Về tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của một số năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 9,95%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung (đóng góp 1,57 điểm phần trăm); ngành khai khoáng tăng 8,18% (cùng kỳ năm trước giảm 1,13%).
Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn cùng kỳ, đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng phát triển.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng khoảng 9,3% so với năm 2014, tương đương 6,6 tỷ USD. Trong đó các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 29,4%, ước đạt hơn 22 tỷ USD, giảm 2,9%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 67,8% ước đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2014.
Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 12,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản ước đạt 3 tỷ USD, giảm 14,5%; cà phê ước 1,4 tỷ USD, giảm 34,8%; gạo ước 1,3 tỷ USD, giảm 8,9% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%, v.v...
Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, dù kinh tế thế giới đã có sự hồi phục, nhưng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng, dẫn đến khó khăn khác về giảm giá, cạnh tranh. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm, trừ Nhật Bản có tăng trường tốt, còn Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đều có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam có thuận lợi với các thị trường mới mở ra, hội nhập sẽ khiến làn sóng doanh nghiệp nước ngoài vào tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên nếu không có các giải pháp kịp thời về vốn cho trung và dài hạn, lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp… thì trong 6 tháng tới thực hiện mục tiêu về xuất khẩu sẽ còn hạn chế nhất định.
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt gần 81,5 tỷ USD, tăng khoảng 17,7% so với năm 2014, tương đương 12,3 tỷ USD. Trong đó khối doanh nghiệp trong nước đạt 32,7 tỷ USD, chiếm 40%, tăng 7,7%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 48,8 tỷ USD, chiếm 60%, tăng 25,5% so với năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại đều tăng cao.
Mạnh Thân (TH)