>> Rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng
Bộ Xây dựng khẳng định, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (sau đây gọi là Quy hoạch 1488) đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho ngành
xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 đến nay.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch 1488, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa 14 dự án xi măng quy mô công suất nhỏ dưới 2.500 tấn clanhke/ngày, tương đương 0,91 triệu tấn xi măng/năm ra khỏi
Quy hoạch phát triển xi măng, hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án; đồng thời, cho phép nâng công suất, bổ sung 6 dự án xi măng.
Vì vậy, Quy hoạch 1488 cũng cần được nghiên cứu bổ sung sửa đổi và thay thế bằng một Quy hoạch khác cho phù hợp với điều kiện phát triển công nghiệp xi măng ở Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu thực tế, Bộ Xây dựng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 thay thế Quy hoạch 1488 và lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025 thay thế Quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và Quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010.
Mục tiêu đặt ra là phải bám sát tình hình kinh tế-xã hội, cung-cầu của thị trường, thực tế triển khai các dự án trong Quy hoạch. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách, giải pháp kích cầu, bình ổn thị trường; điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án bảo đảm tính khả thi và phát triển bền vững
ngành công nghiệp xi măng; rà soát điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt bảo đảm cân đối cung cầu.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với các đơn vị và địa phương về một số nội dung chủ yếu như: tình hình đầu tư, khai thác mỏ
khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng (giấy phép khai thác, khối lượng khai thác hàng năm, việc tuân thủ các quy định về an toàn trong khai thác, tần suất quan trắc theo đánh giá tác động môi trường...); việc sản xuất, tiêu thụ clinker và xi măng bao gồm khối lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả…; hoạt động đầu tư các
dự án xi măng; việc đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và sử dụng rác thải đô thị, chất thải làm nhiên liệu thay thế; đầu tư, sản xuất, tiêu thụ hoặc sử dụng sản phẩm
vật liệu chịu lửa./.