Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin tức

Vì sao Việt Nam vẫn chưa nói “không” với chất độc hại amiăng?

04/08/2014 - 09:03 SA

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 107 nghìn người chết vì các bệnh liên quan đến vật liệu amiăng. Việt Nam hiện đang nằm trong Top 10 tiêu thụ nhiều amiăng nhất trên thế giới. Câu hỏi đặt ra rằng: vì sao Việt Nam vẫn cứ lần lữa nói “không” với chất độc hại này?
Thủ phạm gây ung thư

Thông tin mới đây của WHO về thủ phạm gây ra một loạt những cái chết thương tâm vì ung thư mà nguyên do là từ chất amiăng có nhiều trong các tấm lợp đã gây rúng động dư luận. Hiện amiăng gồm 2 nhóm là: Serpentine (amiăng trắng) và amphibole (amiăng màu). Cách đây 20 năm, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng amiăng màu sau khi được cảnh báo đây là chất cực độc có thể gây ung thư, còn amiăng trắng vẫn trong ngưỡng được phép sử dụng. Thông thường amiăng có trong các sản phẩm công nghiệp xây dựng như tấm lợp, chất cách điện, cách nhiệt, hay trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân… nhưng với điều kiện phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn cho người lao động. Tại Việt Nam, amiăng được sử dụng rất nhiều trong sản xuất tấm lợp xi măng amiăng, má phanh, làm chất cách nhiệt trong phương tiện vận tải... amiăng được sử dụng thông dụng như vậy nên thông tin đây là nguyên nhân của một loạt trường hợp mắc ung thư đã quá bất ngờ với người dân.


Amiăng có trong tấm lợp mái

Theo thống kê của WHO thì hiện nay có khoảng 1,25 triệu công nhân tiếp xúc trực tiếp với amiăng và mỗi năm, có hơn 107 nghìn người chết vì các bệnh liên quan đến vật liệu này. Ðiều này đã được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) nghiên cứu và xác nhận. Các nước Mỹ, Ðức, Australia, Liên minh Châu Âu… đều khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là chất gây ung thư ở người. amiăng gây hại tới cơ thể người chủ yếu thông qua đường hô hấp, khi người lao động hay người sử dụng sản phẩm hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường không khí sẽ dẫn đến nhiều bệnh ung thư nguy hiểm. Thường gặp nhất là ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư buồng trứng... Nguy hiểm hơn Amiăng không phát bệnh ngay mà bệnh sẽ bị ủ trong một thời gian dài, thường thì người tiếp xúc với amiăng sau khoảng thời gian 20-30 năm mới phát bệnh.

Trước đây bệnh bụi phổi amiăng là một bệnh nghề nghiệp đã được bảo hiểm ở Việt Nam từ năm 1976, đã có 3 trường hợp được giám định và chi trả bồi thường. Nhưng con số cụ thể mà mới đây TS Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đưa ra rằng: Thống kê giai đoạn 2010-2011 có 447 trường hợp nghi ngờ liên quan đến amiăng tại 6 bệnh viện, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi. Thêm nữa, amiăng không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động mà còn là nguy cơ làm suy giảm sự phát triển kinh tế quốc gia khi mà chi phí điều trị dành cho bệnh ung thư liên quan đến amiăng gấp nhiều lần so với thông thường.

Vì sao chưa nói “không”?

Thực tế trước đây chính phủ đã nhận thấy tác hại dẫn đến bệnh ung thư của amiăng, điển hình là vào năm 2004 đã cấm sử dụng amiăng amphibole (amiăng màu). Ðối với amiăng trắng trước đó có được khuyến cáo sử dụng nhưng phải bảo đảm an toàn về sức khỏe lao động. Tuy nhiên mới đây Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) trên cơ sở nghiên cứu đã đưa ra khẳng định: “Tất cả các dạng amiăng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng amiăng, kể cả amiăng trắng”. Vậy nhưng việc sử dụng amiăng trắng những năm trở lại đây không hề giảm mà còn tiếp tục gia tăng. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn/năm. Con số này đã đưa Việt Nam lên Top 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Như vậy đủ thấy, tầm quan trọng của amiăng trong công nghiệp sản xuất hiện nay.

Việc đột ngột nói “không” với amiăng đương nhiên sẽ là cú sốc đối với các doanh nghiệp và sẽ làm rối loạn thị trường sản xuất kinh doanh trong nước, nên thật khó để họ chấp nhận sự thật. Phải chăng đó cũng phần nào lý giải tại sao những đề án về cấm sử dụng chất độc hại này liên tiếp bị trì hoãn? Với lý do chi phí của sản phẩm được làm từ amiăng thấp sẽ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Và chiểu theo Ðề xuất trong Quy hoạch quốc gia về phát triển vật liệu xây dựng thì để cấm vĩnh viễn chất được coi là “kẻ giết người thầm lặng” này phải chờ đến năm 2030. Như vậy có quá chậm trễ so với những hiểm họa mà amiăng có thể mang lại?

Trong khi vấn đề cấm hay không sử dụng amiăng cho sản xuất công nghiệp vẫn chưa ngã ngũ thì vấn đề bảo hộ lao động trong các cơ sở sản xuất liên quan đến amiăng vẫn còn bị coi nhẹ. Ðiều này đã được chính TS Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế nhận xét: “Vấn đề độc hại của amiăng trong sản xuất công nghiệp đã được các tổ chức y tế thế giới nghiên cứu và khuyến cáo nhưng hiện nay công nhân tại các cơ sở sản xuất có liên quan đến amiăng vẫn chưa thực ý thức được việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình. Nhiều nơi công nhân không sử dụng bảo hộ lao động thậm chí còn đi chân trần hoặc dùng tay không bốc amiăng… Ðiều đó rất nguy hại đến sức khỏe lâu dài của công nhân”.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại ở Việt Nam đã có nhiều hộ gia đình sử dụng mái lợp có chứa chất amiăng rồi dùng nước mưa từ mái lợp chảy xuống là rất phổ biến. Ngay như trên địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp những tấm lợp mái có chứa chất amiăng được sử dụng. Và việc dẹp bỏ các nhà máy sản xuất tấm lợp cũng không phải việc dễ khi cả nước có gần 40 nhà máy sản xuất với năng lực đạt khoảng 106 triệu m2/năm, giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho trên 5.000 lao động. Nhưng xét cho cùng thì, để bảo đảm sức khỏe về lâu dài thì vẫn cần thiết hơn cả. Ðược biết, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét để đưa amiăng vào danh mục những vật liệu cấm sử dụng nhưng thiết nghĩ trong khi đợi lệnh “Cấm” có hiệu lực thì mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trước sức khỏe của mình bằng cách lựa chọn và sử dụng đúng đắn các sản phẩm là điều trước tiên.
Trước tình trạng amiăng vẫn là vật liệu được sử dụng tràn lan như hiện nay Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế khuyến cáo: “Đối với người lao động làm những công việc có thể mắc bệnh do phải tiếp xúc với amiăng cần phòng bệnh bằng cách sử dụng các loại trang thiết bị phòng hộ cá nhân, đúng tiêu chuẩn chất lượng. Thường xuyên khám định kỳ kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh... Khi có các dấu hiệu của bệnh liên quan đến amiăng, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế. Đối với người dân nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại. Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng, khi có các biểu hiện bệnh do bụi amiăng cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời”. 

Theo Petrotimes

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng