Theo Bộ GTVT, từ nay đến năm 2025, nhu cầu cát để phục vụ thi công bốn tuyến cao tốc triển khai tại khu vực ĐBSCL khoảng 39 triệu m3 cát đắp nền, tuy nhiên các mỏ cát sông trong vùng chỉ đáp ứng được khoảng 20 triệu m3, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường là rất cần thiết và có tính dài hạn, đặc biệt quan trọng với khu vực ĐBSCL.
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của các bộ, ngành hiện đã xác định được 30 vùng có tiềm năng lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng, với dự báo gần 150 tỉ m3 cát biển. Trong đó, vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng, Quảng Ninh… rất triển vọng, có thể quy hoạch thăm dò, khai thác.
Cạnh đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Địa chất và khoáng sản Việt Nam, nguồn tài nguyên cát sạn vật liệu xây dựng và san lấp tại khu vực biển nông tỉnh Sóc Trăng lên tới 13 tỉ m3. Cát biển Sóc Trăng đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam 2006 về nguyên liệu làm vật liệu xây dựng và san lấp.
Hiện nay, các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang đều cấp phép khai thác cát biển để phục vụ san lấp nền các dự án lớn sát biển như nhiệt điện hoặc khu dân cư lấn biển. Riêng tỉnh Kiên Giang đã cấp phép khai thác với trữ lượng 15 triệu m3 và công suất khai thác gần 5 triệu m3/năm.
Với kết quả này, Bộ GTVT nhận định trữ lượng cát biển, cát nhiễm mặn khu vực biển nông ĐBSCL có tiềm năng rất lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu nên cần có các đánh giá về đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của cát đắp nền đường.
Để triển khai bước nghiên cứu tiếp theo, Bộ GTVT vừa giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn tổng hợp rà soát các chỉ tiêu kỹ thuật của nguồn cát biển đã thí điểm trong phòng thí nghiệm. Từ đó, đề xuất đảm bảo nguồn cát sử dụng thí điểm ở hiện trường mang tính đại diện và có trữ lượng vật liệu đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các dự án sau này.
Trong đó, Bộ GTVT lưu ý trường hợp sử dụng nguồn cát biển có trữ lượng thấp nhưng đáp ứng các yêu cầu về thủ tục khai thác thì nguồn cát biển phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tương đồng.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và tư vấn cũng được giao rà soát, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng lựa chọn vị trí thí điểm ngoài hiện trường, có thể theo dõi, đánh giá cả quá trình xây dựng, thi công, nghiệm thu và khai thác; có xem xét đến các vấn đề liên quan đến tình huống thành công và không thành công của quá trình nghiên cứu, đánh giá thí điểm.
Với quy trình trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đến cuối năm 2023 mới có kết quả nghiên cứu có thể dùng cát biển thay thế cát sông được hay không. Dù vậy, nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi và nhiều nước như Nhật Bản, Singapore đã áp dụng thành công. “Hiện Bộ GTVT đã cho phép nhà thầu có thể dùng tro xỉ làm vật liệu đắp nền thay thế cát sông...” - ông Thắng nói.
VLXD.org (TH/ plo)