>> Tìm hiểu về vật liệu đá ong
>> Xu hướng xây cổng đá ong cho những ngôi nhà biệt thự
>> Ưu điểm và cách lựa chọn đá ong xám ốp giếng trời
Nếu như trước đây, chỉ có những người nghèo, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mới dùng đá ong để xây dựng nhà cửa thì hiện nay, chỉ những đại gia, những gia đình có điều kiện mới dùng đá ong trong xây nhà hoặc trang trí.
Bởi lẽ, quá trình xây nhà bằng đá ong đòi hỏi kỳ công hơn rất nhiều so với xây gạch hay bê tông cốt thép. Ngoài ra, giá một mét tường đá ong cũng có giá trị xấp xỉ vài triệu đồng.
Đá ong là gì?
Đá ong là một loại đá tự nhiên, được hình thành từ đất giàu sắt và nhôm, thường có nhiều ở các vùng đất ẩm ướt và vùng nhiệt đới.
Đây là một loại đá xốp, rỗng có màu đỏ nâu thô mộc bởi chúng có hàm lượng oxit sắt, nhôm, đồng và các khoáng chất, được hình thành nhờ sự phong hóa mạnh mẽ của đá mẹ.
Do thành phần cấu tạo chủ yếu là ôxít sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất thì khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí, càng để lâu càng cứng. Trải qua những lớp lang thời gian, qua bao mùa nắng mưa, những viên gạch đá ong càng cố kết nhau lại, càng trở nên rắn chắc.
Theo đó, đặc điểm nổi trội là hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh nên nhà xây từ đá ong thường mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Hiện nay, với độ bền cao và chắc chắn, đá ong thường bên cạnh được ứng dụng làm vật liệu trong xây nhà còn được dùng để trang trí, ốp tường cho công trình, đem lại tính thẩm mỹ cao.
Loại đá ong có kích thước 40x20x12cm hoặc 40x20x15cm thường được dùng để xây nhà. Còn đối với các loại đá ong dùng để ốp tường thì thường có kích thước 10x20cm, 15x30cm với độ dày từ 1-2cm.
Một số ưu điểm nổi bật của đá ong
Độ bền cao, rắn chắc
Thông thường, đá ong khi ở dưới nước và có đặc tính mềm dẻo và thấm nước nhưng khi được khai thác và đưa lên mặt đất, loại đá này sẽ kết dính chặt vào nhau và tạo thành một khối đá rắn chắc, có độ bền cao.
So với các loại đá tự nhiên khác như đá xanh, đá hoa cương… thì đá ong giòn hơn vì kết cấu xốp, bề mặt rỗ. Tuy nhiên, nhờ có thêm đặc tính dẻo và độ co giãn thấp nên đá ong vẫn chống chọi tốt với mọi loại hình thời tiết.
Tỏa nhiệt nhanh
Tuy khả năng hấp thụ nhiệt của đá ong không cao nhưng loại đá này có thể tỏa nhiệt rất nhanh. Bởi vậy, những công trình sử dụng đá ong thường sẽ mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Tiết kiệm thời gian thi công
Khác với những loại gạch khác, phải trải qua nhiều công đoạn tạo hình, nung ở nhiệt độ cao thì đá ong có thể sử dụng ngay sau khi phơi nắng. Cụ thể, đá ong khi được dùng làm vật liệu xây dựng thường được cắt và tạo thành các khối hình học với kích thước khác nhau theo mong muốn.
Tính thẩm mỹ cao
Đá ong với màu đặc trưng là đỏ nâu cùng hình dáng xù xì, thô ráp nhưng vẫn có một nét đẹp mộc mạc, giản dị. Theo đó, những căn nhà sử dụng đá ong làm vật liệu chính vừa mang một nét đẹp cổ điển nhưng không kém phần hiện đại.
Ứng dụng của đá ong trong xây nhà
Trong xây dựng, đá ong là vật liệu được sử dụng rất nhiều để trang trí không gian trong nhà, ngoài trời, trang trí sân vườn, tiểu cảnh hay xây dựng các công trình tường bao, trụ cổng, nhà cổ…
Một trong những ứng dụng phổ biến của đá ong đó là xây tường nhà. Loại đá này thường được dùng chủ yếu ở các khu vườn nhà, làm cột hàng rào hoặc máng tường trang trí trong căn nhà. Theo đó, những viên đá ong được đẽo gọt phẳng nhẵn, liên kết với nhau bằng vữa xi măng tạo lên mảng tường chắc chắn, mạch vữa nhỏ bằng đầu tăm.
Tường xây bằng đá ong thường được xây với kỹ thuật giấu mạch, nhìn bề ngoài như chỉ xếp các viên đá chồng lên nhau, không dùng vữa xi măng. Các mảng tường được nối với nhau bằng các cột vừa đảm bảo độ vững chắc vừa tạo điểm nhấn trong trang trí.
Ngoài ra, đá ong còn dùng để lót sân, lợp mái và làm thành giếng nước. Thành giếng được làm bằng đá ong giúp lọc phèn làm nước trong hơn, vì thế các giếng nước cổ thường được làm bằng chất liệu này.
VLXD.org (TH/ cafeland)