>> Chiến lược phát triển sản xuất gạch không nung ở Việt Nam>> Chấm dứt hoạt động tất cả cơ sở sản xuất gạch nung
Hỗ trợ phát triển gạch không nungNgày 21/5/2014, UBND tỉnh Hải Dương có Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND về việc “Tăng cường sử dụng vật liệu không nung; hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Đây là nội dung nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng về vấn đề này. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương tuỳ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mình mà có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạch không nung.
Trên điạ bàn tỉnh Hải Dương hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung với dây chuyền công nghệ tiên tiến, tổng công suất hơn 300 triệu viên quy tiêu chuẩn 1 năm, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng hoá theo tiêu chuẩn quốc gia.
Tỉnh Hải Dương đã quy định cụ thể với từng loại công trình xây dựng, tùy thuộc nguồn vốn, địa bàn, quy mô công trình mà phải đưa vào sử dụng gạch không nung từ 30 - 100%. Từ cuối năm 2014 đến nay, phần lớn các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã thực hiện theo chỉ đạo và quy định trên của UBND tỉnh.
Nguyên nhân chính để có được kết quả bước đầu trên của tỉnh Hải Dương là do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình đã yêu cầu phải đảm bảo bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo đúng quy định từ công tác lập dự toán - thiết kế công trình đến thi công và giám sát thi công.
Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có việc thi công trái với dự toán - thiết kế thì xử lý, xử phạt…
Đưa gạch không nung vào các công trìnhHải Dương cũng là một trong các địa phương đăng ký tham gia ngay từ đầu dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch xây không nung Việt Nam” do Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện. Đây là dự án do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn viện trợ của quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Ông Đoàn Văn Vẽ, Giám đốc kinh doanh Cơ sở Sản xuất Gạch Không nung (gạch xi măng cốt liệu) Đoàn Minh Công, cho biết, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh Hải Dương đã góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thoát khỏi bế tắc.
Mặc dù doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành một khối xây gạch không nung chỉ tương đương so với gạch đất sét nung nhưng thị trường chưa quen, các chủ đầu tư và người dân vẫn còn hoài nghi. Nhưng khi được đưa gạch không nung vào các công trình trường học, bệnh viện, nhà chung cư, trụ sở cơ quan, xã, phường thì đều được chấp nhận và khen ngợi.
Nếu mấy năm trước, mỗi năm Công ty Đoàn Minh Công tiêu thụ chưa được 10 triệu viên quy tiêu chuẩn, thì năm 2014 tiêu thụ được gần 20 triệu viên và 5 tháng đầu năm 2015 đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 11 triệu viên.
Sở Xây dựng Hải Dương cùng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã cơ bản hoàn thành nội dung “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đang hoàn thiện nội dung trình UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt.
Mai Anh (VLXD.org/TH)